Kết nối “5 nhà” mang bữa ăn an toàn đến gia đình

25/07/2017 16:37

 

Để chăm lo sức khỏe cộng đồng, đảm bảo mọi người dân Thủ đô đều được sử dụng thực phẩm an toàn (TPAT), đẩy lùi, tiến tới loại bỏ nguồn thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh, lần đầu tiên Hà Nội đã triển khai một giải pháp tổng thể và đột phá với sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của “5 nhà”: khoa học, quản lý, nhà báo, nhà sản xuất – kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Đại diện các Sở: Công thương, Y tế và Liên hiệp các Hội Khoa học

và Kỹ thuật Hà Nội ký kết hợp tác triển khai chương trình

Bữa ăn an toàn

Thực phẩm sạch: Nhu cầu cấp bách

Với một TP dân số đông lên đến 10 triệu người, nhu cầu thực phẩm tiêu dùng rất lớn song Hà Nội mới chỉ chủ động được hơn 60% nhu cầu thịt gia súc, rau củ, 28% hoa quả; còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu từ nước ngoài khiến chất lượng thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Theo đánh giá của Sở Y tế TP, tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia trong nuôi trồng, chế biến vẫn còn tồn tại… Trong khi đó việc quản lý số hộ kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm theo mô hình thủ công, nhỏ lẻ còn hạn chế. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra hơn 1.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện 246 cơ sở vi phạm (chiếm 12,8%); lấy 411 mẫu nông lâm thủy sản được kiểm nghiệm, phát hiện 26 mẫu không đạt tiêu chuẩn (chiếm 8,6%).

Trước thực trạng trên, UBND TP đã giao Sở Y tế chủ trì cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội xây dựng chương trình “Bữa ăn an toàn” giai đoạn 2017-2020 với các hoạt động phong phú và thiết thực. Ngày 19/7, chương trình đã được khởi động bằng việc ra mắt Diễn đàn kết nối 5 nhà với chủ đề “Chuỗi cung ứng TPAT từ trang trại tới bàn ăn” và trang thông tin điện tử tổng hợp: www.buaanantoan.vn.

GS.TS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong số ít các địa phương đã sớm xây dựng được hệ thống 324 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được giám sát, xác nhận, kiểm soát thực phẩm an toàn. Song để chuỗi cung ứng sản phẩm vươn đến được bếp ăn, bàn ăn của từng gia đình thì cần có sự kết nối chặt chẽ của “5 nhà” tìm ra cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng cường thanh kiểm tra ở tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất sạch quy mô lớn, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, khuyến khích phát triển công nghệ chế biến nông sản theo hướng gia tăng giá trị; nắm bắt nhu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng trên cơ sở đó xây dựng chiến lược sản xuất, lưu thông tối ưu nhất cho sản phẩm.

Hiện nay, có khoảng 200 doanh nghiệp, cơ sở ở tất cả các loại hình từ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, lưu thông đã đăng ký tham gia diễn đàn kết nối. Đây là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương giới thiệu. Trong thời gian tới, diễn đàn sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh để tạo thêm nguồn cung TPAT cho người tiêu dùng Thủ đô.

Bán thực phẩm sạch từ gốc, giá phải chăng    

Để thực hiện tốt chương trình này, các đơn vị thực hiện kết nối 5 nhà trên địa bàn TP đã phân rõ người, rõ việc gắn liền với những trách nhiệm cụ thể như Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) có trách nhiệm kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm của các doanh nghiệp tham gia chương trình bằng cách giám sát và chọn ngẫu nhiên mẫu thực phẩm tại bữa ăn gia đình; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đánh giá kiến thức của người tiêu dùng tại các địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát nguồn gốc giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cung ứng hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi diễn đàn…

Trên cơ sở kết nối 5 nhà để tạo nguồn cung TPAT, chương trình “Bữa ăn an toàn” triển khai thí điểm ở các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, trước mắt trong năm 2017 sẽ có 5 chung cư, các năm tiếp theo sẽ nhân rộng thêm từ 10 -15 chung cư. Tại các chung cư, ban tổ chức chương trình sẽ xây dựng các gian trưng bày giới thiệu TPAT có kiểm soát để người dân có thể đến xem, tìm hiểu nguồn gốc, địa chỉ cung cấp sản phẩm. Trong đó, cố gắng triệt tiêu các khâu trung gian tạo cơ hội để người tiêu dùng có thể mua thực phẩm sạch tận gốc với giá cả phải chăng, đảm bảo cho các đối tượng có thu nhập trung bình như công nhân, sinh viên được sử dụng TPAT.

PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết thêm, ngoài các gian trưng bày sản phẩm cố định, người tiêu dùng có thể truy cập trang thông tin điện tử tổng hợp: www.buaanantoan.vn để tìm kiếm thông tin thực phẩm và mua hàng. “Trang thông tin điện tử chuyên biệt về ATTP giới thiệu các cơ sở cung ứng TPAT, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn thực phẩm sạch, tư vấn dinh dưỡng, bữa ăn gia đình, cách chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, bí quyết nấu ăn ngon…” – PGS Bùi Thị An chia sẻ. Trong thời gian tới, đơn vị tổ chức phối hợp với ngân hàng cấp phát thẻ visa (có giá trị từ 5-10 triệu đồng) để hỗ trợ người tiêu dùng mua TPAT, thanh toán online một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Theo PNTĐ

Thong ke